Các “ông lớn” ngành bưu chính đang chạy đua đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, với mục tiêu chuyển đổi số thành công, chiếm ưu thế trong cuộc chiến giành thị phần tỷ USD.
Với tốc độ phát triển 20 – 30%/năm như hiện nay, theo tính toán, ngành bưu chính, chuyển phát sẽ cán đích doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2030. Đặc biệt, sự phát triển của thương mại điện tử với quy mô thị trường ước đạt 33 tỷ USD vào năm 2025 đang mở ra cơ hội rất lớn cho bưu chính, chuyển phát. Cơ hội đó dành cho 435 doanh nghiệp trong ngành. Nhưng để chiến thắng, giành thị phần, thì ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải đổi mới, “lột xác” và bước đầu tiên sẽ là chuyển đổi số.
Viettel Post: Số hóa để trở thành công ty công nghệ logistics hàng đầu
Cuộc chuyển đổi số của Viettel Post đã manh nha từ 3 đến 4 năm trước. Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) gọi đó là cuộc dịch chuyển từ “doanh nghiệp 0.4” tiến thẳng lên 4.0 và ứng dụng chuyển phát ViettelPost là bước khởi đầu cho hành trình vươn mình ra biển lớn. Đến nay, ứng dụng ViettelPost đã có gần 1 triệu người dùng.
Về quản trị hệ thống, Viettel Post đã triển khai hệ thống SAP trên toàn mạng lưới, giúp tinh gọn bộ máy, tối ưu hoạt động quản trị trên nền tảng số.
Trong khâu chia chọn, Viettel Post triển khai hệ thống băng chuyền tự động, nâng cao năng suất. Thời gian toàn trình của bưu phẩm được rút ngắn từ 4 đến 6 giờ, nhân lực và chi phí nhân công được cắt giảm 48%, tiết kiệm được 86% nhân lực.
Trong khâu giao hàng chặng cuối, Viettel Post có ứng dụng MyGo. Ngoài ra, Viettel Post thực hiện chuyển đổi số khi áp dụng phần mềm quản lý giám sát hành trình xe tải, phần mềm Efulfillment cho hoạt động quản lý kho hàng…
Riêng năm 2019, Viettel Post đã tin học hóa và cơ giới hóa bằng 14 dự án công nghệ. Doanh nghiệp đang xây dựng hệ sinh thái công nghệ cung cấp cho khách hàng những công cụ quản lý bán hàng tập trung, kết nối đa kênh, tương tác nhiều chiều thực sự hữu ích, giải quyết hàng loạt vấn đề gặp phải trong kinh doanh và bán hàng.
“Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp Viettel Post trở thành doanh nghiệp bán hàng số một trên nền tảng logistics thông minh, mà hơn hết sẽ trở thành người bạn chuyển phát tin cậy, đồng hành cùng khách hàng trong kỷ nguyên số 4.0. Chuyển đổi số tại Viettel Post được chúng tôi thực hiện toàn diện trong tất cả hoạt động của bưu chính Viettel”, CEO Trần Trung Hưng nhấn mạnh.
Thông qua tăng tốc đầu tư chuyển đổi số, Viettel Post đặt mục tiêu doanh thu 28.000 tỷ đồng vào năm 2024 và hướng tới trở thành công ty công nghệ logistics thông qua các chính sách kinh doanh linh hoạt như đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ chuyển phát, đẩy mạnh mở rộng bán hàng với các sản phẩm có tỷ lệ lợi nhuận cao…
Vietnam Post: Chuyển đổi số là nhiệm vụ sống còn
Là một “đại gia” ngành bưu chính, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) không hề chậm chân trong chuyển đổi số. Từ tháng 4/2019, Chiến lược chuyển đổi số đã được gấp rút xây dựng và dần cụ thể hóa thành các chương trình, dự án để chuyển đổi toàn diện các mặt hoạt động của Vietnam Post, gồm: đổi mới hoạt động quản lý khách hàng, tự động hóa khai thác vận chuyển; bước đầu tạo dựng quy trình quản lý thông minh cho công tác quản trị chiến lược, tài chính – kế toán, nguồn nhân lực; nghiên cứu thí điểm các dịch vụ số mới đáp ứng nhu cầu kết nối số và vật lý của cá nhân, doanh nghiệp, chính quyền các cấp…
Chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số. Xây dựng hạ tầng bưu chính để đảm bảo dòng chảy vật chất của nền kinh tế số bên cạnh dòng chảy dữ liệu.
“Vietnam Post đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số và từng bước chuyển đổi thành doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực bưu chính. Hơn ai hết, đội ngũ lãnh đạo của Vietnam Post nhận thức, chuyển đổi số là giải pháp sống còn để thích ứng với bối cảnh biến động liên tục”, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post nói.
Hiện Vietnam Post có mạng lưới ứng dụng công nghệ thông tin rất lớn, với gần 20.000 máy tính kết nối mạng, hơn 10.000 điểm kết nối mạng online. Nhiều trung tâm khai thác vận chuyển của Vietnam Post được trang bị hệ thống chia chọn tự động, cập nhật thông tin tự động. Bên cạnh đó, Vietnam Post cũng đang nghiên cứu thiết kế, lắp đặt băng tải đọc mã vạch tự động trên diện rộng, hoặc triển khai robot gắp hàng hóa, bưu kiện tự động.
Việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số chính là nền tảng và là điều kiện để Vietnam Post tham gia vào các đề án của Chính phủ (như Itrithuc, Vmap, tham gia chính phủ điện tử, PostID, thanh toán không dùng tiền mặt, cơ sở dữ liệu dân cư, an sinh xã hội…), cũng như các nhiệm vụ được Bộ Thông tin và Truyền thông giao, trong đó có việc xây dựng mã địa chỉ bưu chính tới từng hộ gia đình, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu lớn trong lĩnh vực bưu chính.
Theo ông Chu Quang Hào, từ năm 2020, các hoạt động của Vietnam Post lấy công nghệ thông tin làm nền tảng và là công cụ, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy quá trình hiện đại hóa sản xuất – kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng. Để tạo sự đột phá trong phát triển, đón đầu những cơ hội trong giai đoạn tới, Vietnam Post đã xây dựng các định hướng lớn, trong đó có việc tiên phong nghiên cứu Đề án Xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số.
Thị trường bưu chính, chuyển phát được ví như một “chiếc bánh” khổng lồ, hấp dẫn nhưng vô cùng khốc liệt. Các doanh nghiệp đều có cơ hội giành thị phần, nếu sở hữu nền tảng công nghệ đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp nào mở được cách cửa chuyển đổi số sẽ có cơ hội giành lợi thế lớn trong cuộc chiến khốc liệt này.
(Nguồn https://baodautu.vn/doanh-nghiep-buu-chinh-chay-dua-chuyen-doi-so-d129342.html)