Viettel Post đang ở đâu trên hành trình trở thành công ty chuyển phát tỷ đô?

Là doanh nghiệp niêm yết duy nhất trong ngành thương mại điện tử và hệ sinh thái liên quan, VTP là cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng cao và lâu dài nhờ làn sóng bùng nổ thương mại điện tử tại VN.

Đối mặt với đại dịch COVID-19, mặc dù chứng kiến sự giảm tốc tạm thời trong nhu cầu chi tiêu tiêu dùng, Viettel Post (VTP) vẫn giữ được tăng trưởng lợi nhuận sau thuế mạnh mẽ 21% trong 6 tháng đầu năm 2020.

Hậu cần thương mại điện tử đã, đang và sẽ tiếp tục là câu chuyện chính

Giai đoạn năm 2015-2019, VTP ghi nhận tốc độ tăng trưởng LNST  trên 30%/năm từ 63 tỷ VND năm 2015 lên 380 tỷ năm 2019. Điều này được giải thích nhờ sự bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Trong một báo cáo phát hành năm 2019, Google và Temasek cho thấy giá trị giao dịch TMĐT tại Việt Nam đã tăng nhanh từ 0.4 tỷ  USD năm 2015 lên 5 tỷ USD năm 2019. Mặc dù tăng mạnh như vậy nhưng thương mại điện tử tại Việt nam vẫn khá khiêm tốn, chỉ bằng 1%-3% tổng doanh thu bán lẻ so với con số 20% tại Trung Quốc, tức theo sau gần 10 năm. Google và Temasek cũng dự báo ngành TMĐT tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng bình quân 30% mỗi năm lên 23 tỷ USD vào năm 2025.

Với bối cảnh đó, VTP liên tục được săn đón bởi các các nhà đầu tư tài chính với giá cổ phiếu tăng mạnh . Với một phép tính đơn giản, nếu VTP duy trì tăng trưởng lợi nhuận ở mức 20%-30%/năm thì vốn hóa của VTP sẽ tăng từ 380 triệu USD hiện tại lên trên mốc 1 tỷ USD vào 2024-2025. Đó là chưa kể mức định giá P/E hiện tại của VTP  vẫn còn thấp hơn các công ty chuyển phát trong khu vực mặc dù tiềm năng tăng trưởng cao hơn. Theo thống kê, các nhà đầu tư hiện đang trả các công ty chuyển phát đầu ngành Trung Quốc — gồm bộ tứ công ty tam thông nhất đạt ZTO/ YTO/STO/Yunda và SF — ở mức định giá  từ 25 đến trên 30 lần lợi nhuận trong khi chỉ đang trả VTP khoảng 20 lần lợi nhuận.

Con đường tăng trưởng liệu có bằng phẳng?

Tương tự như ngành thương mại điện tử, cục diện cạnh tranh của ngành giao nhận cũng rất gay gắt. Với sự nổi lên của GHN, GHTK và những công ty start up mới, việc duy trì thị phần và tăng trưởng lợi nhuận của VTP là một công việc rất không dễ dàng.

Theo thống kê của Bộ thông tin và Truyền thông, năm 2016 chỉ có 216 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động bưu chính nhưng đến năm 2019 con số này đã tăng lên trên 380 đơn vị, đó là chưa tính các đơn vị hoạt động không có giấy phép. Hay như trong năm 2019 thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam chứng kiến sự gia nhập của các công ty chuyển phát từ Trung Quốc như Best và ZTO cũng như GHN huy động thêm 100 triệu USD từ Temasek để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và cuộc chiến giành thị phần.

Tại đại hội cổ đông 2020, Tổng Giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng từng chia sẻ các đối thủ cạnh tranh luôn tìm cách áp dụng các chiến lược kinh doanh của VTP và sau đó chào mức giá thấp hơn giá thành để giành thị phần. Do đó, VTP phải luôn đứng trước bài toán cân đối giữa tăng trường thị phần và giữ vững tăng trưởng lợi nhuận cũng như phải liên tục triển khai các ý tưởng kinh doanh mới.

Sở hữu mạng lưới bưu cục sâu rộng, liên tục cải tiến và sự cộng hưởng kinh doanh từ Tập đoàn Viettel có lẽ là những tài sản giúp VTP bảo vệ vị thế của mình ở ngành chuyển phát mặc dù vẫn còn con đường dài phía trước. Năm 2019, VTP đã đầu tư vào trung tâm chia chọn tại Hà Nội với công suất 36,000 bưu kiện/giờ, khai trương tàu hàng nhanh Bắc – Nam  và xã hội hóa hoạt động giao hàng chặng cuối thông qua ứng dụng MyGo. Đầu 2020, VTP cũng bắt đầu tiếp nhận thêm gần 300,000 điểm bán từ Viettel Telecom sau khi đã tiếp nhận quản lý hơn 800 cửa hàng viễn thông vào cuối 2018.

Đại dịch COVID-19 là một thử thách tạm thời cho Viettel Post?

Do tỷ trọng cao của các mặc hàng không thiết yếu như thời trang và đồ điện tử đang được bán online hiện tại, dịch COVID-19 khiến ngành thương mại điện tử và chuyển phát tăng trưởng chậm lại trong 6 tháng đầu năm. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành bưu chính tăng chỉ 4% trong 6 tháng đầu 2020 so với con số 27% tăng trưởng năm 2019. Bên cạnh đó, số liệu từ iPrice cũng cho thấy truy cập vào  các trang web ngành thời trang sụt giảm tới 29% trong quý 2 so với quý 1 năm 2020.

VTP cũng không ngoại lệ khi cũng chứng kiến sự chững lại này với doanh thu dịch vụ tăng 12% trong 6 tháng đầu năm so với con số 43% trong năm 2019. Tính riêng trong quý 2, doanh thu dịch vụ của VTP chỉ tăng 8% so với cùng kỳ do COVID-19 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các shop online, nhất trong giai đoạn tháng 4. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp mảng dịch vụ của VTP cũng chứng kiến sự sụt giảm trong 6 tháng đầu 2020 chỉ còn 10.8% so với 11.8% có thể do hoạt động giảm giá hỗ trợ khách hàng của VTP.

Tuy vậy, nhờ tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng như đóng góp từ doanh thu bán hàng, VTP vẫn ghi nhận tổng doanh thu tăng 125% và lợi nhuận sau thuế tăng 21% trong 6 tháng 2020. Theo báo cáo tài chính 6 tháng, doanh thu bán hàng của VTP tăng đột biến lên hơn 9 lần từ 376 tỷ VND trong 6 tháng đầu 2019 lên 3.835 tỷ VND. Điều này phần nào giải thích do doanh thu thẻ cào điện thoại sau khi VTP tiếp nhận khoảng 300.000 điểm bán hàng từ Viettel Telecom từ quý 1 2020.

Cho cả năm 2020, VTP đặt kế hoạch tham vọng với tăng trưởng doanh thu tăng 143% lên 19.233 tỷ đồng và LNST tăng 30% lên 466 tỷ đồng. Mức tăng mạnh của doanh thu chủ yếu do doanh thu phát sinh từ hoạt động bán thẻ cào trong khi doanh thu dịch vụ chuyển phát cốt lõi được dự kiến sẽ tăng khoảng 40%.  Như vậy tính đến cuối tháng 6/2020, VTP đã hoàn thành được 35% kế hoạch doanh thu và 43% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.

Theo https://enternews.vn/viettel-post-dang-o-dau-tren-hanh-trinh-tro-thanh-cong-ty-chuyen-phat-ty-do-181877.html