Trong quá trình xuất nhập khẩu, việc lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tối ưu hoá chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Một trong những phương thức phổ biến trong vận tải quốc tế là FCL. Vậy FCL là gì và có những đặc điểm, quy trình như thế nào? Hãy cùng Viettel Post tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
1. FCL là gì?
FCL (Full Container Load) là một phương thức vận tải hàng hóa quốc tế, trong đó một container lắp đầy được sử dụng để vận chuyển hàng hoá cho một chủ hàng duy nhất. Ngược lại với FCL, LCL là hình thức vận chuyển mà một container được chia sẻ chung cho nhiều lô hàng ghép lại từ nhiều người chủ, công ty khác nhau.
Phương thức này phù hợp với những doanh nghiệp có khối lượng hàng hoá lớn, yêu cầu bảo mật, an toàn cao. Với FCL, hàng hoá vận chuyển sẽ không bị chia sẻ không gian với bất kỳ loại hàng hoá nào từ công ty khác, giúp tối ưu sự kiểm soát và bảo vệ hàng trong suốt quá trình vận chuyển.
2. Đặc điểm của FCL
Các đặc điểm nổi bật của hình thức vận chuyển FCL bao gồm:
- Độc quyền sử dụng container: Doanh nghiệp thuê toàn bộ container để vận chuyển, không cần chia sẻ không gian với bất kỳ doanh nghiệp nào.
- Đóng gói và niêm phong: Container được chủ hàng đóng gói và niêm phong tại điểm xuất phát và chỉ được mở ra tại điểm đến, đảm bảo an toàn cho hàng hóa.
- Kiểm soát hoàn toàn: Người gửi hàng có quyền kiểm soát hoàn toàn quá trình vận chuyển, từ việc đóng gói đến xếp dỡ hàng hóa.
- Thời gian vận chuyển nhanh: Hàng FCL thường có thời gian vận chuyển nhanh hơn so với hàng LCL vì không phải chờ ghép hàng với các lô hàng khác.
- Chi phí trọn gói: Mặc dù có thể chi phí cao hơn so với LCL nếu hàng không đầy, nhưng khi sử dụng FCL, chi phí vận tải sẽ bao gồm toàn bộ container.
- Tính bảo mật cao: Vì hàng hóa được đóng gói và niêm phong bởi chủ hàng, nên đảm bảo an toàn và bảo mật cao hơn.
3. Ưu điểm và nhược điểm của FCL
FCL là một hình thức vận chuyển hàng hóa bằng container phổ biến, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Để bạn có cái nhìn tổng quan và đưa ra quyết định phù hợp, Viettel Post tóm tắt ưu và nhược điểm của hình thức này như sau:
3.1. Ưu điểm
- Bảo mật và an toàn cao: Toàn bộ container chỉ chứa hàng hoá của một người gửi, giảm nguy cơ hư hỏng, mất mát hoặc nhầm lẫn hàng hoá với cá lô khác.
- Tối ưu về thời gian: FCL thường có thời gian vận chuyển nhanh hơn vì container không cần phải dừng để xếp dỡ hàng hóa tại nhiều điểm.
- Kiểm soát tốt hơn về lịch trình: Doanh nghiệp có thể kiểm soát tốt lịch trình vận chuyển vì toàn bộ container được sử dụng cho một lô hàng.
- Linh hoạt về hàng hoá: Cho phép vận chuyển các loại hàng hoá đặc biệt, cồng kềnh, hàng hóa nguy hiểm, hoặc hàng hóa cần kiểm soát nhiệt độ linh hoạt.
3.2. Nhược điểm
- Chi phí: Nếu lượng hàng hóa nhỏ, không đủ để lấp đầy container, FCL có thể trở nên đắt đỏ hơn so với việc chia sẻ container với những người gửi khác.
- Cần không gian lưu kho: Do FCL liên quan đến số lượng lớn hàng hóa, doanh nghiệp cần chuẩn bị kho lưu trữ hoặc không gian để đóng gói và xử lý.
- Chi phí trả lại container: Sau khi dỡ hàng, doanh nghiệp cần trả lại container cho hãng tàu. Phần này có thể phát sinh thêm chi phí nếu chậm trễ.
4. Quy trình thủ tục hải quan để xuất khẩu hàng FCL
Tuỳ vào từng quốc gia, cảng biển và loại hàng hoá, quy trình xuất khẩu hàng FCL có thể khác nhau. Tuy nhiên, dưới đây là quy trình chung thường áp dụng:
4.1. Chuẩn bị hàng hoá và chứng từ cần thiết
Bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là chuẩn bị đầy đủ các chứng từ xuất khẩu. Các giấy tờ này giúp đảm bảo hàng hóa của bạn hợp pháp và tuân thủ các quy định quốc tế:
- Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice): Đây là giấy tờ thể hiện giá trị và thông tin chi tiết về hàng hóa.
- Phiếu đóng gói (Packing List): Danh sách chi tiết về số lượng và cách sắp xếp hàng hóa trong container.
- Hợp đồng vận tải (Bill of Lading): Chứng từ xác nhận rằng hàng đã được bàn giao cho đơn vị vận tải.
- Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin): Chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, nếu cần.
- Các chứng từ khác: Có thể bao gồm giấy phép xuất khẩu, bảo hiểm hàng hóa, và các chứng từ liên quan khác tuỳ thuộc vào yêu cầu của quốc gia nhập khẩu.
4.2. Khai báo hải quan
Sau khi chuẩn bị xong hàng hoá, chứng từ, bước tiếp theo là khai báo hải quan. Tại Việt Nam, bạn có thể thực hiện thông qua hệ thống khai báo điện tử VNACCS, giúp đơn giản hoá quy trình và tiết kiệm thời gian. Khai báo hải quan bao gồm:
- Nhập thông tin hàng hóa: Cung cấp đầy đủ thông tin về lô hàng, giá trị, trọng lượng, loại container và các thông tin liên quan khác.
- Nộp phí hải quan: Sau khi khai báo, bạn cần thanh toán các loại phí liên quan, bao gồm phí hải quan, phí xử lý và các chi phí khác tuỳ thuộc vào loại hàng hoá.
4.3. Xếp hàng và niêm phong container
Sau khi hoàn tất thủ tục khai báo, hàng hóa sẽ được đóng vào container, niêm phong và vận chuyển đến cảng xuất.
4.4. Kiểm tra hải quan
Hải quan sẽ kiểm tra chứng từ và có thể kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi cho phép xuất khẩu. Sau khi hoàn tất, tờ khai sẽ được thông quan. Hải quan sẽ cấp cho bạn giấy phép xuất khẩu. Hàng hoá được xếp lên tàu, bạn sẽ được hãng tàu phát hành vận đơn.
4.5. Hoàn tất thủ tục
Container sẽ được xếp lên tàu để vận chuyển ra nước ngoài. Sau khi lô hàng đã đến nơi và được người nhận xác nhận, doanh nghiệp cần lưu trữ toàn bộ chứng từ liên quan để hoàn tất hồ sơ xuất khẩu.
5. FCL có gì khác so với LCL?
FCL và LCL là hai hình thức vận chuyển phổ biến trong xuất và nhập khẩu hàng hóa quốc tế, dưới đây là bảng so sánh về sự khác nhau của hai hình thức vận chuyển. Bạn hãy tham khảo để biết được hình thức vận chuyển nào sẽ phù hợp với mình, từ đó tối ưu được chi phí.
Tiêu chí | FCL (Full Container Load) | LCL (Less than Container Load) |
Định nghĩa | Container được dùng cho toàn bộ hàng hóa của một người gửi. | Container được chia sẻ giữa nhiều người gửi khác nhau. |
Chi Phí | Tính theo số lượng container, thường tiết kiệm khi lấp đầy container. | Tính theo trọng lượng hoặc thể tích, chi phí cao hơn cho cùng khối lượng hàng hóa. |
Thời gian xử lý | Thời gian xử lý nhanh hơn, không cần phân loại hoặc hợp nhất hàng hóa. | Thời gian xử lý lâu hơn do phải gom hàng và phân loại. |
Bảo mật và an toàn | Cao, ít nguy cơ hư hỏng hoặc nhầm lẫn hàng hóa. | Thấp hơn, có nguy cơ hư hỏng hoặc mất mát do hàng hóa của nhiều người gửi. |
Khối lượng hàng hoá | Phù hợp cho lô hàng lớn hoặc cồng kềnh, đủ để lấp đầy container. | Thích hợp cho lô hàng nhỏ hơn không đủ để lấp đầy container. |
Tính linh hoạt | Ít linh hoạt trong việc điều chỉnh khối lượng hàng hóa sau khi đóng. | Linh hoạt hơn cho các lô hàng nhỏ và điều chỉnh khối lượng hàng hóa. |
Hình thức thông quan | Quy trình thông quan đơn giản hơn. | Quy trình thông quan phức tạp hơn, xử lý hàng hóa của nhiều người gửi. |
Vậy khi nào nên chọn FCL hoặc LCL?
- Chọn FCL: Lô hàng có khối lượng lớn, cần bảo quản đặc biệt, thời gian vận chuyển là yếu tố quan trọng.
- Chọn LCL: Lô hàng có khối lượng nhỏ, chi phí là yếu tố ưu tiên hàng đầu.
Thông qua bài biết này, hy vọng Viettel Post đã phần nào giải đáp thắc mắc của bạn về FCL là gì? và cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về FCL trong vận tải quốc tế. Tuy nhiên, để lựa chọn giữa FCL và LCL, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng về số lượng hàng hóa, chi phí và yêu cầu vận chuyển cụ thể của mình.